CHỦ TỊCH LÊ PHƯỚC VŨ CHIA SẺ VẤN ĐỀ “MÔI TRƯỜNG VÀ TĂNG TRƯỞNG” VỀ DỰ ÁN KHU LIÊN HỢP LUYỆN CÁN THÉP CÀ NÁ – NINH THUẬN TRONG CHƯƠNG TRÌNH “ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH”

Video Chia sẻ của Chủ tịch Lê Phước Vũ trong chương trình “Đối thoại chính sách” phát sóng trên kênh VTV1

của Đài Truyền hình Việt Nam.

Chủ tịch Lê Phước Vũ tham dự chương trình “Đối thoại chính sách” phát sóng trên VTV1 vào 22h30 ngày 31/08

Trong chương trình “Đối thoại chính sách”, Chủ tịch Lê Phước Vũ nhận định: 20 năm tới là cơ hội vàng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta không thể chỉ dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp mà chính công nghiệp sẽ góp phần lớn vào việc hiện đại hóa đất nước. Vấn đề môi trường thì chúng ta cần lấy Formosa là một bài học để từ các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp phải thấy rằng đây là trách nhiệm hàng đầu.

Đồng thời Chủ tịch Lê Phước Vũ cũng nhấn mạnh: Môi trường sẽ được đặt lên trên sự phát triển, đó là vấn đề chắc chắn. Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển, đó là 2 khía cạnh rất rõ ràng. Làm sao để vừa có môi trường vừa có tăng trưởng, đó mới là giỏi, đó mới là xuất sắc. Khi chúng tôi đầu tư, như vậy là cơ hội rất lớn, với công nghệ và thiết bị như hiện nay thì đều có thể giải quyết được vấn đề môi trường. Vấn đề là ngay giai đoạn dự án tiền khả thi, bắt buộc nhà đầu tư phải đưa vấn đề môi trường lên trên hết, và phải được cơ quan quản lý nhà nước từ Ban quản lý Khu công nghiệp, sở Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh và đặc biệt là Bộ tài nguyên môi trường thẩm định một cách nghiêm túc. Ngay như dự án này của chúng tôi thì Thủ tướng Chính phủ cũng kết luận cho phép lập dự án tiền khả thi, thông qua Bộ công thương để kiểm tra về máy móc thiết bị, Bộ Tài nguyên môi trường giám sát về vấn đề môi trường, giám sát trong quá trình vận hành. Chúng tôi triển khai rất cẩn trọng: Đầu tiên chúng tôi thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu, ưu tiên trước tiên là về vấn đề môi trường, sau đó chúng tôi mới chọn công nghệ, thiết bị. Sau đó, trong quá trình vận hành, triển khai thì bắt buộc phải có sự giám sát chặt chẽ. Khi nào Ban Quản lý Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường thậm chí mời luôn các đoàn thể đến giám sát, khi nào đảm bảo được vấn đề môi trường mới cho vận hành.

Chủ tịch Lê Phước Vũ chia sẻ: Làm sao để vừa có môi trường vừa có tăng trưởng, đó mới là giỏi, đó mới là xuất sắc

Ông Phạm Quang Tú, Quản lý dự án vận động chính sách, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, một chuyên gia về quản lý môi trường đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Lê Phước Vũ, ông chia sẻ: Tôi rất đồng ý ý kiến của ông Vũ, giám sát từng công đoạn, vấn đề quan trắc về môi trường ngay từ đầu và trong quá trình doanh nghiệp triển khai vận hàng là rất cần thiết phải diễn ra. Những vấn đề thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần đầu tư ngay từ đầu, chứ không phải đến lúc đầu tư về công nghệ thiết bị xong thì mới quan tâm đến vấn đề quan trắc môi trường mà đầu tư về quan trắc về môi trường phải đi song hành ngay từ đầu với quá trình đầu tư máy móc thiết bị. Đối với nhà nước thì cần đầu tư đủ kinh phí để giám sát, quan trắc ngày từ đầu.

Chia sẻ về việc đầu tư Dự án Khu Liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận giữa tâm bảo Formosa, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết: Đúng là chúng tôi đang đứng ở giữa tâm bão khi vụ Formosa nổ ra, nên chúng tôi phải khẳng định, phải cam kết những yếu tố tốt nhất chúng tôi có thể. Chúng tôi khẳng định là chúng tôi sẽ làm với hết lương tâm của chúng tôi, làm với hết trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước.

Đồng thời, chương trình “Đối thoại chính sách” cũng đã phát lại phát biểu của Chủ tịch Lê Phước Vũ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016 diễn ra vào ngày 27/8/2016 vừa qua: “Hôm nay chính thức trước Thủ tướng và tất cả quý vị, tôi hứa nếu xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi tự nguyện đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho nhà nước.”

Bên cạnh đó, trong chương trình, Chủ tịch Lê Phước Vũ cũng chia sẻ thẳng thắn quan điểm về doanh nghiệp FDI: Nền kinh tế của chúng ta vừa có doanh nghiệp nhà nước, các doanh ngiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Vốn đầu tư là rất quan trọng, họ mang vốn của chúng ta, họ mang công nghệ của chúng ta, họ tạo ra công ăn việc làm và họ tạo ra kim ngạch xuất khẩu, cân đối về cán cân mậu dịch, điều đó là rất quan trong trong thời gian vừa rồi, chúng ta đánh giá cao những yếu tố đó. Tuy nhiên phần giữ lại của chúng ta, đó là chi phí về nhân công thì thấp. Chúng ta thấy vừa rồi Samsung tạo ra lợi nhuận rất lớn nhưng đóng góp rất là thấp, đó là vấn đề chúng ta cần cân nhắc. Cái thứ 2 nữa, nếu chúng ta ưu đãi quá lớn đối với các doanh nghiệp FDI thì chúng ta sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh không bình đẳng, mất cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện môi trường sao cho bình đẳng. Hơn nữa là tự các doanh nghiệp trong nước phải vươn lên để khẳng định vai trò của mình, cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải là chân phải của nền kinh tế, thì chúng ta mới tận dụng tối đa được các cơ hội.

Chủ tịch Lê Phước Vũ chia sẻ: “Cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải là chân phải của nền kinh tế thì chúng ta mới tận dụng tối đa được các cơ hội hiện nay”

Tin liên quan