Forbes Việt Nam – Ông chủ Tôn Hoa Sen

Description: http://hoasengroup.vn/sites/default/files/news/events/1_11.jpg

     “TRONG KHÓ KHĂN PHẢI TẠO ĐƯỢC KHOẢNG CÁCH VỚI ĐỐI THỦ. CHO NÊN PHẢI DẤN THÂN, NỖ LỰC.”

     Khi nhìn lại con đường gần 20 năm kinh doanh, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhắc đi, nhắc lại về cỗ máy cán tôn “tự chế” đầu tiên có giá 160 triệu đồng. Cỗ máy cơ học cổ lỗ sĩ này giờ đây nằm trong góc xưởng tại nhà máy của Hoa Sen tại Bình Dương. Nó đánh đấu bước ngoặc của doanh nhân Lê Phước Vũ, từ chủ một cửa hàng phân phối vật liệu xây dựng nhỏ ở ngà tư An Sương, mở xưởng gia công rồi đầu tư nhà máy hiện đại, dấn thân vào một ngành công nghiệp nặng có vai trò quan trọng đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam.

     “Gầy dựng được cơ nghiệp này vất vả lắm, nhất là giai đoạn làm cái máy cán tôn 160 triệu đồng. Tôi cày dữ lắm, bán hàng, tiếp thị, đòi nợ, gom hàng, việc gì cũng làm, không có việc gì chừa,” Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hoa Sen nói. Ông Vũ có giọng nói vang, âm vực rộng, khi hào hứng thì vang hơn cả loa. Doanh nhân 51 tuổi, có tài sản trên hai ngàn tỉ đồng tính theo giá trị cổ phiếu vào trung tuần tháng 5.2014, thích nhắc lại quãng đường kinh doanh gian truân ngay cả khi Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành công ty số một thị trường nội địa ở lĩnh vực tôn/thép tấm, sản phẩm xuất khẩu đi 40 quốc gia. Công ty hiện nằm trong tốp ba doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân lớn nhất, đều đã niêm yết, hai trong số này được chọn vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam năm 2014, nhờ có các chỉ số sinh lời, phát triển tốt và triển vọng dài hạn ồn định.

     MẶC DÙ NGÀNH THÉP VIỆT NAM ĐANG GẶP KHÓ KHĂN trong bối cảnh thị trường bất động sản và xây dựng đình đốn, trong vòng năm nam qua lợi nhuận của Hoa Sen tăng gấp ba, trong khi doanh thu tăng gấp bốn lần. Niên độ tài chính 2012 – 2013, Hoa Sen đạt danh thu trên 11,7 ngàn tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 581 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 58% so với niên độ kế toán năm trước. Phòng nghiên cứu công ty chứng khoán BSC đánh giá: “HSG chiếm 40% thị phần tôn trong nước và 11% thị phần thép ống trong nước. Công ty hầu như kiểm soát được cả chuỗi sản xuất từ thép cán nguội đến tôn mạ, cũng như trực tiếp phân phối đến người tiêu dùng qua hệ thống chi nhánh lớn, do đó HSG có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành.”

     Thép là ngành nguyên liệu nhạy cảm với các chu kỳ biến động kinh tế. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi như những năm qua, ngành này đối diện nhiều thách thức. Kinh tế phát triển và nhu cầu xây dựng cơ bản, đầu tư nhà xưởng tăng cao, kéo theo sự ra đời của nhiều doanh nghiệp ngành thép. Nhưng việc đầu tư ồ ạt, thiếu cân nhắc bài toán kinh doanh hợp lý dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp có hàng tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp phá sản trong giai đoạn khủng hoảng. Chỉ có một số ít công ty chứng tỏ được năng lực cạnh tranh, củng cố được vị thế trong ngành và vượt lên ngay trong giai đoạn khủng hoảng, trong đó có Hoa Sen. Ông Vũ là linh hồn, tạo sự lớn mạnh cho công ty, tay trắng biến Hoa Sen thành công ty doanh thu trên 500 triệu đô la Mỹ. Dù chưa một ngày ngồi học ở một lớp tài chính chính quy nhưng ông chủ Hoa Sen nhận định sành sỏi: “Vốn đầu tư cở bản lớn, chi phí vốn nguyên liệu cao nên chỉ xử lý dòng tiền không tốt là bế tắc ngay.”

     Ngành thép Việt Nam được xem là phát triển ngược khi công nghiệp cán có trước công nghiệp luyện, một phần do hạn chế về quy hoạch ngành, một phần về vốn đầu tư. Tuy nhiên ông Vũ đã hóa giải được bài toán khó bằng nhờ hệ thống đại lý phân phối bán lẻ, song song với việc xây dựng thương hiệu, điều hành tổ chức sản xuất kinh doanh sát sao với phương châm tạo hiệu quả hoạt động tối đa để tối ưu hóa dòng tiền. Các nhà máy của Hoa Sen với tổng công suất gần một triệu tấn/năm ở khu công nghiệp Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đang hoạt động hết công suất. Hệ thống 125 chi nhánh, đại lý phân phối và năm tổng kho trên cả nước giúp cho Hoa Sen bán tận ngọn nên tỉ suất lợi nhuận cao so với các đối thủ, đồng thời công ty nắm bắt nhanh các thay đổi lớn từ thị trường, điều chỉnh kinh doanh phù hợp. Hoa Sen phải nhập khẩu 100% phôi thép. Niên độ tài chính 2012 – 2013, công ty lãi gần 200 tỉ đồng từ chênh lệch giá phôi thép. Khả năng đàm phán với các nhà cung ứng nước ngoài và kinh nghiệm của ông Vũ giúp Hoa Sen chọn được các thời điểm thích hợp để mua nguyên liệu với giá tốt nhất. “Chỉ mình tôi làm được điều này”, ông chủ Hoa Sen thốt lên, vẻ hài lòng ra mặt, nhưng tránh nói về bí quyết kinh doanh.

     Các nhà đầu tư, trong đó có các quỹ lớn đã đầu tư vào Hoa Sen, đánh giá cao ông Vũ ở khả năng ứng biến trước tình hình, đưa ra những quyết định hợp lý trong xử lý mua nguyên liệu, hàng tồn kho, cân đối tiêu thụ giữa thị trường trong nước và quốc tế tùy theo tình hình tỉ giá cũng như những biến động thị trường. Một trong những bước xoay chuyển nhanh chóng mang tính chiến lược của Hoa Sen trong thời gian qua là việc nhanh chóng chuyển hướng đẩy mạnh tiêu thụ vào thị trường nội địa đầu năm 2014, khi thị trường xuất khẩu có diễn biến không thuận lợi. Do tỉ giá ở một số thị trường xuất khẩu của Hoa Sen như Ấn Độ, Indonesia… biến động khiến sản phẩm Hoa Sen trở nên đắt hơn, tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu giảm. Nhận ra tình hình bất lợi, sẵn có hệ thống đại lý bán hàng trực tiếp, ông Vũ chỉ đạo bộ máy kinh doanh tập trung đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa với “củ cà rốt”: chính sách khuyến mãi, tăng hoa hồng cho đội ngũ bán hàng khuyến khích thưởng vượt doanh số. Trong ba tháng đầu năm, theo ông Vũ, cơ cấu tiêu thụ nội địa và quốc tế của Hoa Sen chuyển từ kế hoạch 50:50 thàng 70:30. Sản lượng xuất khẩu vẫn tăng lên về con số tuyệt đối. Chủ tịch Hoa Sen nói oang oang: “điều này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của Hoa Sen.” Giọng vang khắp căn phòng làm việc tại trụ sở mới của tập đoàn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TP.HCM.)

     Bà Trịnh Quỳnh Giao, cố vấn cao cấp Red River Holding, quỹ nắm 16,6% cổ phần Hoa Sen kể rằng, họp công ty, ông Vũ chỉ đạo công việc điều hành như dẫn quân đánh trận. Chẳng hạn, các việc quản lý chi phí của Hoa Sen hiện nay được phân bổ theo định mức xuống từng dây chuyền, từng ca trực. Nếu sai số, ngay trong các cuộc họp ông Vũ yêu cầu truy trách nhiệm đến tận gốc. Lỗi do Hoa Sen hay đối tác cung ứng? Nếu do đối tác, mức bồi thường ra sao? Nếu do công nhân công ty, ca sản xuất nào? Trách nhiệm thuộc về ai, khách quan hay chủ quan? Tương tự, cuối năm, Hoa Sen ưu tiên số 1 là thu hồi công nợ , trừ trường hợp bất khả kháng, “quyết không cho đối tác nợ đến một đồng.”

     Thách thức lớn nhất trong lịch sử 13 năm với Hoa Sen đến nay vẫn là cuộc khủng hoảng thế giới năm 2008. “Tình thế như một người lái tàu giữa bão,” ông chủ Hoa Sen nhớ lại rồi kể tiếp: “Giai đoạn đó hoặc là dừng lại và rơi luôn. Hoặc là vượt lên. Không có con đường nào khác. Trong giai đoạn khó khăn nhất phải tạo được khoảng cách với đối thủ. Cho nên phải dấn thân, nổ lực.” Thời gian này Hoa Sen lên sàn, mọi thông tin phải minh bạch công khai. Công ty đang nâng cao năng lực sản xuất với nhà máy tôn dầy đầu tiên tại Đông Nam Á. Khó khăn dồn dập ập đến trong 2 – 3 năm sau đó: lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng, chính sách thắt chặt tín dụng thắt mở đột ngột, tỉ giá USD/VND có lúc bị điều chỉnh tới 9%, tình trạng thiếu điện trên diện rộng khiến khu vực sản xuất công nghiệp ảnh hưởng nặng… Nhưng cuối cùng Hoa Sen cũng vay được nguồn vốn kích cầu với lãi suất giảm 4% để đầu tư tiếp tục dự án. “Vì Hoa Sen tốt, ngân hàng tìm đến,” ông Vũ nói và phủ nhận mọi quan hệ xin cho , chạy chính sách… trước câu hỏi của phóng viên Forbes Việt Nam.

     Ông Vũ kể, chính trong thời gian tối mắt tối mũi với dự án này, người cộng sự trẻ gắn bó lâu năm tại tổng hành dinh đã tự tung tự tác gây ra nhiều hệ lụy về tài chính, uy tín cho công ty mà sau này khi phát hiện ra ông Vũ giơ “cây gậy”: Bổ nhiệm người này làm Tổng Giám đốc tập đoàn kèm những lời ca ngợi “có cánh” nhưng chỉ 18 ngày sau ông cắt chức, đuổi việc người từng được xem là cánh tay mặt. Hai bên nói qua nói lại trên báo chí, uy tín ông Vũ ít nhiều sứt mẻ. Ông Vũ cho rằng đây là bài học để đời về quản lý nhân sự. Ông cũng tiết lộ rằng với tính khí nóng nảy, “làm việc với tôi rất khó, ít người chịu được áp lực.” Giờ đây, theo ông Vũ, bộ máy quản trị đã vận hành bài bản, theo đúng quy định và không bị chi phối bởi tình cảm, cảm xúc riêng.

     Năm 2011, Hoa Sen tiếp tục đầu tư hai dây chuyền cán nguội và khánh thành giai đoạn 1 của nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, nhà máy sản xuất tôn với hệ thống dây chuyền đồng bộ. Nhà máy tại Phú Mỹ có công suất lớn nhất hiện nay. Giai đoạn 2 của nhà máy vẫn đang được tiếp tục xây dựng. Sản phẩm Hoa Sen từ tôn/ thép tấm mở rộng ra cả thép ống, ống nhựa xây dựng. Giống như nhiều doanh nghiệp ngành thép khác, trên 70% nguyên liệu của Hoa Sen phải nhập từ Trung Quốc, nước hiện mạnh nhất về ngành thép. Đầu tư của Hoa Sen chớp được thời cơ phù hợp nên đạt hiệu quả. Ông Vũ Tiến Nghi, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận xét: “Việc đầu tư của Hoa Sen hợp thời nên sản lượng cao và xuất khẩu mạnh ra các thị trường chung quanh. Các sản phẩm của Hoa Sen từ tôn, cán nguội, ống thép bán được ở nhiều phân khúc khách hàng nên việc kinh doanh linh hoạt.”

     SINH NĂM 1963, ÔNG VŨ QUÊ GỐC Ở QUẢNG NAM NHƯNG SINH RA tại Bình Định, xuất thân nghèo khó. Tốt nghiệp trung cấp lái xe, phiêu dạt Buôn Ma Thuột, Cần Thơ… cho tới những năm đầu thập niên 1990 ông Vũ về lại TP.HCM làm tài xế cho ông Thân Đức Quang, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Gò Vấp, một doanh nghiệp nhà nước. Vợ ông lúc đó làm thủ quỹ cho doanh nghiệp Gỗ Đức Thanh, mới sinh con đầu lòng. Kinh tế khó khăn, họ sống trong một căn nhà thuê có diện tích 10m2 ở Gò Vấp. “Thất nghiệp, thuê một xó nhà để ở, ngày ngày luyện chưởng, nhưng tôi vẫn tin rằng một ngày mình sẽ giàu có,” ông nhắc về thói quen ngày ấy hay lê la ra quán cà phê đầu hẻm ngồi xem phim bộ Hồng Kông có khi từ sáng đến tối mỗi khi không có việc làm. Thời gian này ông kể, đã theo đạo Phật, thường xuyên đọc kinh, ăn chay, hớt tóc ngắn và có ý muốn đi tu.  

     Năm 1993, công ty Xuất nhập khẩu Gò Vấp cần người canh giữ đất nên cho phép ông Vũ mở một cửa hàng vật liệu xây dựng ở gần ngã tư Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị (Gò Vấp) chủ yếu để giữ đất. Cùng với một người anh em họ, ông Vũ mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng với số vốn ban đầu 70 triệu đồng của người này. Cơ hội đầu tiên đến khi một công ty nước ngoài chuyên nhập khẩu và phân phối sản phẩm  tôn lợp, cho phép cửa hàng làm đại lý, mua hàng trả chậm. Kinh doanh đang phất lên thì giữa ông và người anh em cùng làm nảy sinh mâu thuẫn, ông Vũ bỏ cửa hàng, tính về công ty Gỗ Đức Thành làm quản đốc. Tín nhiệm ông Vũ, Nippovina tìm kiếm, thuyết phục ông mở cửa hàng đại lý, hứa sẽ cho trả chậm hàng hóa giá trị lên tới 50 triệu đồng. Tháng 5.1994, với số vốn là hai chỉ vàng vợ đưa, ông mở cửa hàng riêng tại khu vực ngã tư An Sương (quận 12, TP.HCM) “Ngày đầu tiên khai trương, lời 650 ngàn đồng, mừng vô cùng,” ông Vũ thốt lên.

     Dù là ngành công nghiệp cơ bản và quan trọng nhưng ngành thép nội địa là ngành có lịch sử non trẻ. Khu công nghiệp Thái Nguyên được xây dựng vào thập niên 1960 cho ra đời mẻ gang đầu tiên nhưng đến năm 1975 Việt Nam mới có sản phẩm thép cán. Giai đoạn 1976 – 1989, ngành không có bước tiến đáng kể, phát triển cầm chừng, sử dụng chủ yếu thép nhập khẩu chủ yếu từ Liên Xô và khối Đông Âu (cũ) do rẻ hơn sản xuất trong nước. Ngành thép Việt Nam chỉ thay da đổi thịt, phát triển theo chiều sâu vào đầu thập niên 1990 khi nhiều dự án đầu tư nước ngoài xuất hiện, nhu cầu thị trường tăng cao. Ba công ty thép hàng đầu hiện nay: Hòa phát, Pomina, Hoa Sen manh nha hình hài phát triển đầu tiên ở giai đoạn này.

     Ngay từ thời gian đầu lập nghiệp, ông Vũ đã chứng tỏ khả năng nhanh nhạy, ứng phó với các tình huống bất ngờ trong kinh doanh mặc dù chưa hề qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào. Ông có một đối thủ cạnh tranh trên cùng con đường, có lần hàng khan hiếm nhưng cửa hàng này gom được nhiều hàng. Ông Vũ bèn nhờ một nhân viên chạy vật tư của ông Lê Ba (Gỗ Đức Thành) đánh xe tới trả giá cao, mua sạch hàng của đối thủ, xe về đậu ở sân vận động quân khu 7. Đêm xuống, xe quay ngược trở lại dỡ hàng vào cửa hàng ông Vũ. Từ hôm sau, ông độc quyền ở khu vực đó nên bán với giá còn cao hơn nữa. Kinh doanh thuận lợi vài năm đầu, ông Vũ mở ra hai cửa hàng, có chục người giúp việc và bán hàng rất chạy. Tuy nhiên sau đó nhiều cửa hàng khác mở ra, sự cạnh tranh bắt đầu khóc liệt. Thị trường tôn lợp lúc bấy giờ chủ yếu là hàng nhập khẩu.

     Ông Vũ quyết định mở xưởng cán tôn thì mới có thể duy trì lợi thế cạnh tranh. Đó là khởi đầu của câu chuyện chiếc máy cán tôn trị giá 160 triệu đồng. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường được nhập từ Đài Loan. Cái máy cán tôn mà ông Vũ nhắm tới có giá 120 ngàn đô la Mỹ, một con số quá lớn so với khả năng của cơ sở kinh doanh nhỏ chỉ với hai cửa hàng. Bài toán khó được ông Vũ hóa giải bằng cách sử dụng bản vẽ thiết kế và một số phụ tùng ở Đài Loan, phần còn lại ông thuê gia công, cóp nhặt linh kiện ở trong nước, mày mò lắp ráp cải tiến hiệu chỉnh dần.

     Người đứng đầu tập đoàn Hoa Sen là một trong số ít doanh nhân công khai bày tỏ tín ngưỡng và tuyên bố Phật giáo là sự nghiệp của cuộc đời. Ông Vũ cho rằng khả năng phân tích, xử lý tình huống và đưa ra những quyết định kinh doanh – cho tới nay chưa mắc sai lầm – đến từ niềm tin vào Phật pháp, biết thiền và tịnh tâm. Sự thành công cho đến thời điểm này của ông cũng được cho rằng đến từ những cái duyên bất ngờ. Cả tên gọi và logo tập đoàn đều là “Hoa Sen” – loài hoa biểu tượng của Phật giáo. Hoa Sen được thành lập năm 2001 nhằm ngày vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (ngày 8.8.2011). Trong hai năm qua, Hoa Sen đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu, đáng kể nhất là việc mời Nick Vujicic, chàng trai không chân tay có khả năng truyền cảm hứng về nghị lực vượt khó tới Việt Nam.

     Ông Lê Phước Vũ vừa nhận 100 tỉ tiền mặt cổ tức niên độ tài chính 2012 – 2013. Ông cho rằng công ty giờ đây đã đủ lớn mạnh và tầm cỡ để ông có thể từng bước tính đến việc lên núi đi tu – một tâm nguyện được nói với vẻ thành thật, không mang tính vẻ vời. Khó có thể hiểu ý định xa rời cuộc sống trần tục của doanh nhân này lớn đến đâu, hoặc tín ngưởng của ông có ảnh hưởng gì tới sự lớn mạnh của Hoa Sen nhưng ông Vũ cho biết đã “mua” một quả núi ở Lâm Đồng, nơi ông đang góp xây chùa, thỉnh tượng Phật.

     Dáng người bệ vệ, khuôn mặt tròn với cặp môi dày, ông chủ Hoa Sen luôn xuất hiện với mái tóc cắt ngắn như Phật tử, áo khuy tàu. Trong buổi phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Vũ đi đôi giày hiệu Louis Vuitton, đeo đồng hồ Hermes. Ông Vũ giữ một chiếc yên ngựa hiệu Hermes, mà ông giải thích là “mua để sau này lên núi, học cưỡi ngựa.” Ông nói, mua những món đồ đó cũng là để đánh dấu đã qua thời gian khó, bần hàn.

Khi nào ông chủ Hoa Sen tìm được thời gian lên núi thiền định, học cưỡi ngựa và dùng đến chiếc yên tinh xảo bậc nhất? Ông Vũ không trả lời.

Theo nguồn Tạp chí Forbes Việt Nam

 

Tin liên quan