Mái ấm gia đình Việt tập 7: Nghị lực của những gia đình đơn chiếc

Ước mơ đoàn tụ của 3 mẹ con ở hai miền nam bắc
 
Không chỉ chiến tranh mới khiến người ta chia lìa, ngay trong thời bình cũng có không ít gia đình phải sống xa nhau vì điều kiện kinh tế khó khăn. Gia đình em Lâm Hoàng Thông (14 tuổi), người chơi đầu tiên trong tập 7 của chương trình Mái ấm gia đình Việt là một trường hợp như thế. Sau khi cha qua đời vì Covid-19, Thông sống cùng mẹ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Em còn một người chị gái đang sống ở Ninh Bình cùng ông bà. Mẹ Thông làm công nhân may, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng nên không có điều kiện đưa con gái về sống cùng.
 
 
Sau khi mất đi trụ cột gia đình, 2 mẹ con lủi thủi nương tựa vào nhau. Mẹ Thông cũng từng nghĩ hay là về quê, nhưng ở quê lại không có việc làm. Thông hiện cũng đã quen trường, quen lớp, quen bạn nên hai mẹ con cố bám trụ ở đây. Ngoài khoản tiền lo học phí và sinh hoạt phí của hai mẹ con, mỗi tháng mẹ Thông còn phải gửi tiền về nuôi con gái ở quê cùng ông bà. Hai mẹ con sinh hoạt trong căn nhà trọ nhỏ xíu, tiền thuê mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng.
 
Thông là một học sinh ngoan, học lực khá, rất ngoan ngoãn lễ phép với mọi người. Chị gái của em cũng học rất giỏi. Thông rất thương mẹ, hằng ngày em phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… để mẹ yên tâm đi làm. Nếu chiến thắng giải thưởng lớn của Mái ấm gia đình Việt, hai mẹ con hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn.
 
Căn nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ
 
Em Lý Phi Hải (14 tuổi) hiện đang sống cùng cha trong một căn nhà tạm bợ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Căn nhà này được mua cách đây 10 năm nhưng không có tường, vách nhà tận dụng từ tường nhà hàng xóm. Cha Hải gia cố tạm bằng khung sắt và lợp mái tôn, mỗi lần trời mưa đều dột rất nặng.
 
Tháng 7 năm 2021, mẹ Hải không may qua đời vì dịch Covid-19. Ba cha con sống nhờ khoản tiền chạy ba gác của anh Lý Văn Thời (cha Hải). Công việc này anh đã làm 10 năm nhưng thu nhập không ổn định, có ngày kiếm được vài cuốc chạy xe, có ngày chẳng có cuốc nào. Trước đây, mẹ Hải bán xôi ở chợ, có hai nguồn thu nhập chính nên cuộc sống gia đình cũng đỡ khó khăn. Tuy nhiên từ ngày mẹ mất, chỉ còn mình ba Hải vừa làm vừa trả món nợ cũ của gia đình (hiện còn 60 triệu) nên cuộc sống hết sức thiếu thốn. Mỗi tháng, anh Thời phải kiếm đủ số tiền hơn 6 triệu để trả dần số nợ. Hải còn một người anh trai đang làm công nhân với thu nhập giao động từ 5-7 triệu đồng.
 
 
Hải hiện đang học lớp 9/1 trường THCS Tân Xuân. Mỗi ngày em đi học 2 buổi ở trường, trưa về em nấu cơm ăn cùng với ba để tiết kiệm chi phí. Hải là một câu bé giàu tình cảm, hoạt bát và rất ngoan. Hải chia sẻ nếu có một điều ước, em chỉ mong sao mẹ vẫn còn sống với cả ba bố con, để cả nhà được đoàn tụ sum họp, vui vầy bên nhau.
 
Đôi vai gầy gánh gồng mưu sinh của mẹ
 
Gia đình em Lê Thị Ngọc Trúc (12 tuổi, Bình Tân) là những người chơi thứ ba trong tập 7 của chương trình. Mất cha vì Covid-19, Trúc hiện sống cùng mẹ và em gái. Trước đây cha mẹ Trúc là công nhân đóng gói bao bì tại Khu chế xuất Tân Thuận. Sau khi chồng mất, chị Trần Thị Mộng Kiều (mẹ Trúc) cũng nghỉ làm để ở nhà chăm sóc các con. Hiện tại, mẹ Trúc đẩy xe trái cây bán quanh xóm từ 6g sáng đến 18g, công việc mới nên cũng chưa có thu nhập ổn định, cả gia đình giờ phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm xã hội, mỗi tháng 3 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi mẹ Trúc phải một mình nuôi hai con gái nhỏ, sinh hoạt phí hạn hẹp, phải tiết kiệm hết mức mới đủ gói ghém.
 

Trúc hiện đang học lớp 7A4 trường THCS Phan Đăng Lưu, học phí hơn 1 triệu/tháng. Giờ đây khi không còn cha nữa, mọi chi phí sinh hoạt dồn hết trên đôi vai mẹ. Hiện tại ở em không mơ ước gì quá xa xôi, chỉ mong gia đình có thêm thu nhập để mẹ bớt vất vả. Những lúc không đến trường, Trúc thường phụ mẹ chăm em, cho em ăn cơm, hát ru em ngủ, chơi cùng em. Nếu được một khoản tiền thưởng trong chương trình, em muốn dùng số tiền đó để giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Không chỉ là một trong những đơn vị dẫn đầu trên thị trường sản xuất, kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen còn là một trong những đơn vị xây dựng thành công hình ảnh của một thương hiệu gắn kết với cộng đồng. Hơn 21 năm kiên định với triết lý “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển”, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang khẳng định dấu ấn thương hiệu thông qua nhiều chương trình tài trợ, từ thiện mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc như: Vượt lên chính mình, Trái tim nhân ái, Lục lạc vàng, Tỏa sáng nghị lực Việt, Tôn Hoa Sen – Cùng em đi học, Giải bóng đá Futsal cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cặp lá yêu thương, Hát cho ngày mai, Mái ấm gia đình Việt,…

Theo Báo Thanh Niên

Tin liên quan